CỔNG THÔNG TIN DỰ ÁN
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ SONG PHƯƠNG GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC, QUAN TRỌNG
Ngôn ngữ:

Hiệp định FTA

EVFTA: Lực đẩy mới cho nền kinh tế
Thứ Năm /  20/02/2020
Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với tỷ lệ phiếu thuận đều áp đảo. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Bước tiến mới trong hội nhập

Phát biểu với báo giới ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa với Việt Nam và Liên minh châu Âu, hai đối tác chiến lược và toàn diện đã triển khai đàm phán ký kết hai hiệp định.

"Với việc thông qua tại Nghị viện châu Âu, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU ngày càng toàn diện, là điểm nhấn mà hai nước đang có hướng về tương lai, với mối quan hệ đa phương, có ý nghĩa khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và dân túy đang gay gắt. EU cũng đánh giá cao đối tác Việt Nam, toàn diện và tin cậy trong phạm vi Đông Nam Á và khu vực toàn cầu" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

evfta luc day moi cho nen kinh te
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA
EVFTA được coi là “đòn bẩy” cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD. Đối với xuất khẩu (XK) của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK) đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế NK đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch XK còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế NK trong hạn ngạch là 0%.

Đổi lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch NK). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch XK từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế NK. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch NK). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế NK dài hơn 10 năm, hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Chương trình hành động của chúng ta cũng sẽ là cơ sở để EU phối hợp, giám sát việc thực thi Hiệp định. Hiện hồ sơ của EVFTA đã được chuẩn bị để được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Và như vậy, hai bên sẽ có điều kiện thực hiện các phần việc cuối cùng để Hiệp định được thực thi, hiệu lực dự kiến vào tháng 7 - 8/2020.

Tận dụng cơ hội từ EVFTA

Có thể nói, chỉ trong thời gian ngắn, cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân, tổ chức của hai bên sẽ được hưởng lợi kịp thời từ Hiệp định. Nhưng để làm được những điều đó, sau khi Hiệp định thông qua, cần phải triển khai hàng loạt các vấn đề. Đặc biệt, trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta không chỉ tập trung tái cơ cấu kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp DN tham gia thị trường EU mà cần phải xây dựng phát triển thị trường trong nước, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả, lợi ích của nền kinh tế, cũng như DN, người dân trong quá trình thực thi cam kết hội nhập.

evfta luc day moi cho nen kinh te
EVFTA mang đến cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam
Tiếp theo, nhiệm vụ ưu tiên cao nhất thời gian tới là, phải phổ biến kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin về Hiệp định, chương trình hành động về các nội dung cam kết cụ thể liên quan tới từng ngành, hiệp hội ngành hàng, từng hệ thống tổ chức, đặc biệt là DN, người dân. Vì vậy, khối công việc mà Chính phủ, Bộ Công Thương phải thực hiện rất nặng nề, cần quyết liệt triển khai ngay. Đồng thời, cần sự vào cuộc không chỉ các bộ, ngành, mà cả chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN. Đến cuối năm 2020, chúng ta sẽ chứng kiến hàng loạt nội dung vừa thực hiện, vừa rà soát cùng một lúc; trong đó để các địa phương, DN tổ chức tiếp cận nội dung, cam kết, điều khoản hiệu quả phải đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến Hiệp định.

Năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu XK đạt 300 tỷ USD, nhưng ngay từ đầu năm chúng ta đã phải đối mặt thử thách lớn từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), hiện giao thương với đối tác lớn là Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. Do đó, EVFTA minh chứng tính đúng đắn của chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa về quan hệ chính trị cũng như kinh tế, thương mại. Đồng thời, đây là biện pháp giúp chúng ta vượt qua khó khăn hiện nay về thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông-thủy sản vốn phụ thuộc các thị trường trong khu vực.

Hiệp định EVFTA giúp thúc đẩy XK, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Quang Lộc