Bài phát biểu của Ngài Pranay Verma “Các động lực chính trị và an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”
Bài phát biểu của Ngài Đại sứ Ấn Độ tại Hội thảo trực tuyến của Viện dịch vụ liên hợp của Ấn Độ (USI-IDIR = United Service Institution of India) và Viện Quan hệ Quốc tế Quốc phòng Việt Nam (IDIR = the Institute of Defence International Relations of Vietnam) vào ngày 4 tháng 3 năm 2021 với chủ đề “Các động lực chính trị và an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”
Kính thưa ngài Giám đốc Viện Dịch vụ Liên hợp, Thiếu tướng B.K Sharma,
Kính thưa ngài Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Tiến Trọng,
Kính thưa ngài Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ,
Kính thưa ngài Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ
Kính thưa các vị đồng nghiệp cấp cao xuất sắc và những người tham gia hội thảo trực tuyến ngày hôm nay,
Kính thưa quý vị.
Tôi xin cảm ơn USI và IDIR đã có lời mời tôi tham gia sự kiện hôm nay.
Là những trung tâm chuyên phân tích, nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc gia và đặc biệt là những gợi ý của các trung tâm này đối với nền quốc phòng, cả USI và IDIR đều có tất cả mọi khả năng để phục vụ và đóng góp vào sự hiểu biết chung của chúng ta về động lực an ninh và địa chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tôi đã có vinh dự được tiếp xúc với IDIR và giao lưu với các học giả của họ trong một số dịp trong thời gian tôi công tác ở Việt Nam trong hơn một năm rưỡi qua. Họ không chỉ là kho lưu trữ những hiểu biết chiến lược tuyệt vời về khu vực; mà họ còn chia sẻ sự quan tâm, sự đồng cảm và nhạy cảm về nhiều vấn đề thuộc lợi ích và những quan tâm của Ấn Độ. Tôi rất vui vì USI và IDIR đã duy trì sự tham gia thường xuyên theo thỏa thuận thể chế song phương của họ, thậm chí sử dụng các nền tảng trực tuyến trong những thời điểm có sự gián đoạn do COVID-19 gây ra.
Chủ đề của cuộc hội thảo ngày hôm nay – Các động lực chính trị và an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - là một chủ đề rất liên quan đến cả Ấn Độ và Việt Nam, không chỉ vì chúng ta nằm ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà còn vì chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào hòa bình và an ninh của khu vực này để thúc đẩy các ưu tiên của chúng ta về phúc lợi và phát triển quốc gia.
Theo quan điểm của tôi, việc thấu hiểu cách thức chúng ta nhìn nhận cấu trúc của chính Ấn Độ-Thái Bình Dương như thế nào và những gì nó đòi hỏi là một khúc dạo đầu quan trọng cho cuộc hội thảo của chúng ta về các động lực địa chính trị và an ninh trong khu vực.
Là một khu vực địa lý, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tương đối dễ hình thành với những biến thể nhỏ, như một khu vực nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Đồng thời, chúng ta cần phải hiểu rõ không chỉ về các tranh chấp và đường đứt gãy vốn vẫn tồn tại trong khu vực, mà còn cần phải hiểu rõ về các lựa chọn hợp tác và cùng tồn tại hòa bình quan trọng đối với khu vực.
Và trong đó thể hiện sự đánh giá cao của chúng ta về địa chính trị của khu vực và nhận thức của chúng ta về các cơ hội và thách thức của các bên tham gia
Trong phần phát biểu của mình, tôi rất vui khi được đề cập đến cách thức chúng tôi nhìn nhận nhiều những khuynh hướng này như một phần của Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương như thế nào.
Trước hết là, Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi, lần đầu tiên được Thủ tướng Modi nêu rõ trong bài phát biểu của ông tại Đối thoại Shangri La vào tháng 6 năm 2018, là Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Đó là tầm nhìn của riêng Ấn Độ, là sáng kiến do Ấn Độ khởi xướng, mặc dù có thể có những điều, những điểm giao thoa và tương đồng với những điều, những điểm của nhiều những quốc gia khác. Có rất nhiều những đề xuất đã và đang được trình bày dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và do đó, điều quan trọng là phải ghi nhận được điều này.
Thứ hai là, Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi được hình thành dựa trên hai nhận thức cơ bản - thứ nhất, các cơ hội và thách thức ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương không thể bị chia cắt một cách giả tạo; và thứ hai, không gian địa lý này đại diện cho những thực tế tăng trưởng mới, những thực tại của thế kỷ này, chứ không phải là những thực tại của thế kỷ trước.
Do đó, trong lợi ích của Việt Nam cũng như trong lợi ích của Ấn Độ, chúng tôi phản ánh một thực tế không thể tránh khỏi của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một phần nội tại của chiến lược quốc gia của chúng tôi - cả về tư duy lẫn diễn ngôn, cũng như trong định nghĩa thuật ngữ.
Đối với Ấn Độ, về mặt địa lý, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một không gian biển rộng lớn trải dài từ bờ biển phía Tây Bắc Mỹ đến bờ biển phía Đông châu Phi. Hơn 50% thương mại toàn cầu đi qua miền không gian biển này. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 60% dân số thế giới và GDP toàn cầu. Và vì vậy, an ninh và sự ổn định của khu vực rộng lớn này có ý nghĩa sống còn đối với thế giới.
Là nền kinh tế lớn nhất ở Ấn Độ Dương và là một quốc gia hội nhập quan trọng đối với Thái Bình Dương thông qua thương mại, Ấn Độ có lợi ích tự nhiên đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương là một thành phần quan trọng trong học thuyết của chúng tôi về SAGAR - tức là An ninh và Tăng trưởng cho tất cả mọi quốc gia trong Khu vực, đồng thời cũng là một phép ngoại suy tự nhiên của “Chính sách Hành động Hướng Đông” của chúng tôi. Tầm nhìn của chúng tôi là hướng tới một khu vực tự do, cởi mở, hòa bình, thịnh vượng và, trên hết, là một khu vực hòa nhập, tin tưởng vào một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia.
Vai trò trung tâm của ASEAN là đặc điểm nền tảng của tầm nhìn này.
Không giống như ý nghĩa ban đầu rằng Châu Á - Thái Bình Dương là một sân khấu của xung đột thời chiến, Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi là một cấu trúc tích cực của phát triển và kết nối, trong đó Ấn Độ có thể đóng một vai trò độc nhất vô nhị nhờ vào vị trí địa lý và sức mạnh kinh tế của mình. Ở một khía cạnh nào đó, tầm nhìn này có tính ưu tiên về kinh tế với trọng tâm là sự thịnh vượng tập thể thông qua hợp tác và kết nối.
Tất nhiên, trong trọng tâm kinh tế này, các nỗ lực hợp tác để đảm bảo trật tự và an ninh dựa trên luật lệ cũng quan trọng không kém.
Tính đến bản chất chủ yếu của khu vực là hàng hải, rõ ràng là phần lớn những điều này liên quan đến nỗ lực của chúng tôi nhằm đảm bảo rằng các mối quan hệ chung toàn cầu được bảo đảm tốt hơn; rằng quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động kinh tế và thương mại hợp pháp được bảo vệ dựa trên luật pháp quốc tế; và chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia được tôn trọng. Đó cũng là việc đảm bảo rằng mọi quy tắc ứng xử của khu vực đều phù hợp với luật pháp và thông lệ của hàng hải quốc tế, đồng thời phục vụ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả mọi quốc gia.
Chúng tôi cũng nhìn nhận Ấn Độ - Thái Bình Dương như một nền tảng để thúc đẩy tính đa cực của khu vực - một nền tảng mà sẽ mang lại quyền được có tiếng nói cho tất cả các bên liên quan trong việc định hình một trật tự khu vực công bằng và trung thực, đồng thời tuân thủ các chuẩn mực được công nhận trên toàn cầu. Nói cách khác, cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho phép chúng ta có các lựa chọn để chủ động thúc đẩy các lợi ích của mình thông qua một mạng lưới các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau tích cực, thay vì tự giới hạn chúng ta trong các mối quan hệ song phương.
Đại dịch COVID-19 và các tác động của sự biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm sự phức tạp về địa chính trị và địa kinh tế trong khu vực và trên thế giới vốn đã tồn tại từ trước đó. Theo nhiều cách, bản thân ma trận an ninh đã trải qua quá trình biến đổi, với hàng loạt các vấn đề như thích ứng khí hậu, chăm sóc sức khỏe, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, việc di chuyển xuyên biên giới - tất cả những điều trên đây đều có một ý nghĩa lớn lao trong nhận thức của chúng ta về an ninh và các mối đe dọa. Điều hướng những bất ổn đó sẽ là một thách thức chung đối với tất cả mọi quốc gia.
Để chuyển biến tầm nhìn về quan hệ đối tác và hợp tác này thành hành động thiết thực, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm 2019, Thủ tướng Modi đã trình bày rõ hơn về Sáng kiến về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) của chúng tôi, cung cấp một mô thức cụ thể cho sự hợp tác dựa trên quan hệ đối tác xuyên suốt 7 ngành dọc – an ninh hàng hải; hệ sinh thái biển; các nguồn tài nguyên hàng hải; nâng cao năng lực & chia sẻ nguồn lực; quản lý và giảm thiểu thảm họa thiên tai; khoa học, công nghệ và hợp tác học thuật; và kết nối thương mại / vận tải.
Như các bạn có thể thấy, trên nhiều lĩnh vực khác nhau của mình, IPOI quan tâm đến việc soạn thảo các phản ứng thực tế của khu vực để, một mặt, đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, và mặt khác, là để đối phó với những thách thức chung như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững - trong khi xây dựng các trụ cột liên kết với nhau vì sự an ninh thịnh vượng tập thể và đảm bảo vai trò trung tâm nền tảng của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Thật vậy, IPOI không tìm cách tạo ra bất kỳ một cấu trúc khu vực mới nào mà là xây dựng một cấu trúc dựa trên khuôn khổ hiện có do ASEAN dẫn dắt.
Chúng tôi rất vui khi thấy các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra Triển vọng của riêng họ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), tương tự như Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương và Sáng kiến Đại dương Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi.
Bốn lĩnh vực ưu tiên của AOIP của ASEAN – cụ thể là quan hệ đối tác hàng hải, Các mục tiêu phát triển bền vững, sự kết nối và quan hệ đối tác kinh tế - trùng lặp rất độc đáo với Sáng kiến Đại dương Ấn Độ - Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Sự tương đồng này trong cách thức mà chúng ta nhìn nhận khu vực chung của chúng ta không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là sự phản ánh một nhận thức hợp lý về những gì chúng ta cần làm cho an ninh và tăng trưởng của khu vực.
Cùng với nhau, AOIP của ASEAN và IPOI của Ấn Độ cung cấp một lộ trình hữu ích để củng cố quan hệ hợp tác của chúng tôi với ASEAN và thúc đẩy hội nhập khu vực, kết nối địa lý và kỹ thuật số cũng như quan hệ đối tác kinh tế và phát triển.
Chúng tôi tin rằng Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ-Việt Nam là một phần quan trọng trong bối cảnh Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Như Tầm nhìn chung được thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến được tổ chức ngày 21 tháng 12 năm 2020 do Thủ tướng hai nước chúng ta đã chỉ rõ, quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh tăng cường giữa Ấn Độ và Việt Nam là một nhân tố quan trọng của sự ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế đang xuất hiện trong khu vực và xa hơn thế nữa.
Trên thực tế, với tư cách là đối tác gần gũi của Ấn Độ trong quan hệ hợp tác nhiều mặt: chính trị, kinh tế và an ninh và là một mắt xích chính trong cam kết của Ấn Độ với ASEAN, Việt Nam rõ ràng là một đối tác không thể thiếu trong Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi, đặc biệt, nếu tính đến những giá trị và lợi ích chung của chúng ta đối với hòa bình khu vực và thịnh vượng.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều là các quốc gia hàng hải, về mặt lịch sử, được kết nối bằng các tuyến hàng hải. Sự đóng góp chung của chúng ta đối với hòa bình và ổn định của khu vực biển chung và sự chú trọng ngày càng tăng của chúng ta về lợi ích hàng hải trong các chiến lược phát triển quốc gia của chúng ta, khiến cho IPOI của chúng tôi và AOIP của ASEAN trở thành cơ sở thực tế để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Việt Nam trước những thách thức và cơ hội hiện thời trong khu vực chung của chúng ta.
Trước khi kết thúc, tôi xin phép nói thêm rằng bởi lẽ kịch bản địa chính trị và địa kinh tế hiện hành ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã bị che lấp bởi những tác động mới do COVID-19 tạo ra, những lo ngại về các đại dịch trong tương lai, về sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng, về sự gián đoạn trong giao thương trung chuyển - tất cả những điều đó đã mang đến những thách thức mới đối với một thế giới liên kết. Chúng cũng khiến chúng ta phải tập trung sự chú ý vào việc xây dựng năng lực nội tại.
Trong trường hợp của Ấn Độ, Atma Nirbhar Bharat - hay là Tầm nhìn của một Ấn Độ Tự cường - là một phản ứng sâu xa đối với những thách thức này. Nó không phải là để cô lập Ấn Độ. Hoàn toàn trái ngược với điều đó, đó là việc làm cho Ấn Độ tự tái tạo và đầy nghị lực để Ấn Độ có thể hội nhập hiệu quả hơn với thế giới và nơi mà các năng lực của Ấn Độ trở thành động cơ cho tăng trưởng toàn cầu và phục vụ cho các nhu cầu của toàn nhân loại.
Những phát triển gần đây đã cho thấy rằng cho dù đó là vắc xin, thuốc men hỗ trợ hay khẩu trang và PPE, thì các khả năng cây nhà lá vườn của Ấn Độ cũng đang chung tay giúp sức cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19. Chúng tôi tin tưởng rằng các năng lực kinh tế, khát vọng phát triển và khả năng của Ấn Độ với tư cách là người phản ứng đầu tiên sẽ tạo ra các cơ hội và là trụ cột sức mạnh cho sự phục hồi kinh tế, vì hòa bình và ổn định, của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thực sự là vì toàn thế giới sau đại dịch COVID- 19. Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trong hành trình vào tương lai đầy hy vọng này.
Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các bạn. Chúc các bạn có một buổi làm việc hiệu quả và bổ ích tại cuộc hội thảo trực tuyến này.
Nguồn: Cục Thông tin báo chí – Chính phủ Ấn Độ