CỔNG THÔNG TIN DỰ ÁN
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ SONG PHƯƠNG GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC, QUAN TRỌNG
Ngôn ngữ:

Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải Ấn Độ năm 2021
Thứ Sáu /  05/03/2021

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải Ấn Độ năm 2021

 

Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi: Ấn Độ có tầm nhìn và kế hoạch rất nghiêm túc trong việc phát triển ngành hàng hải và Ấn Độ hiện đang nổi lên như một nền Kinh tế Xanh hàng đầu của thế giới.

Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ vận hành 23 tuyến đường thủy.

Bộ Cảng, Vận tải biển và Đường thủy đã lập danh sách 400 dự án có thể đầu tư với vốn đầu tư tiềm năng lên đến hàng chục tỷ USD.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang đầu tư vào hệ thống vận tải đường thủy theo một phương cách mà trước đây chưa từng thấy.

 

Hôm nay (02/03/21), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khai mạc ‘Hội nghị thượng đỉnh hàng hải Ấn Độ 2021’ thông qua hình thức hội nghị truyền hình. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đan Mạch Benny Englebrecht, các Thủ hiến các bang Gujarat và Andhra Pradesh, các Bộ trưởng trong nội các Ấn Độ Dharmentdra Pradhan và Mansukh Mandaviya đã tham dự hội nghị này.

Phát biểu nhân dịp này, Thủ tướng đã mời gọi thế giới đến với Ấn Độ và hãy là một thành tố trong quỹ đạo tăng trưởng của Ấn Độ. Ấn Độ rất nghiêm túc trong công cuộc phát triển ngành hàng hải và hiện đang nổi lên như một nền Kinh tế Xanh hàng đầu của thế giới. Ông nói: Thông qua các lĩnh vực trọng tâm như nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quá trình cải cách, Ấn Độ đặt mục tiêu là củng cố tầm nhìn Aatamnirbhar Bharat (Aatamnirbhar Bharat có nghĩa là ‘Ấn Độ tự cường’, một cụm từ trong ngôn ngữ Hindi được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chính phủ Ấn Độ sử dụng và phổ biến liên quan đến sự phát triển kinh tế của đất nước trong và sau đại dịch COVID- 19).

Ông lưu ý rằng thay thế cho cách tiếp cận từng phần như trước đây, cách tiếp cận mới là tập trung vào toàn bộ lĩnh vực như một tổng thể. Ông cho biết công suất của các cảng chính đã tăng từ 870 triệu tấn năm 2014 lên 1550 triệu tấn như hiện nay. Các cảng của Ấn Độ hiện có các biện pháp như: Giao hàng trực tiếp tại cảng (trong vòng 48 tiếng đồng hồ), Lên hàng trực tiếp và Hệ thống cộng đồng cảng (PCS) được nâng cấp để dễ dàng lưu chuyển và truy cập các dữ liệu. Các cảng của chúng tôi đã cắt giảm thời gian chờ đợi cho hàng hóa đến và hàng hóa đi. Ông cũng thông báo rằng các cảng lớn với cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới đang được phát triển ở Vadhavan, Paradip và Cảng Deendayal ở Kandla.

Thủ tướng khẳng định “Chính phủ chúng tôi đang đầu tư vào ngành vận tải đường thủy theo một phương cách trước đây chưa từng thấy. Đường thủy nội địa được coi là phương thức vận chuyển hàng hóa hiệu quả về chi phí và thân thiện với môi trường. Chúng tôi đặt mục tiêu là vào năm 2030 sẽ vận hành khai thác 23 tuyến đường thủy”. Ông cũng chỉ ra rằng Ấn Độ có tới 189 ngọn hải đăng trên toàn bộ tuyến bờ biển dài rộng của mình: “Chúng tôi đã vạch ra một chương trình nhằm phát triển ngành du lịch ở các khu vực liền kề (với tuyến bờ biển dài rộng của mình) với 78 ngọn hải đăng. Mục tiêu chính của sáng kiến này là tăng cường phát triển các ngọn hải đăng hiện có và phát triển các khu vực lân cận thành các điểm đến du lịch hàng hải độc đáo”. Ông cũng thông báo rằng các bước đi tiếp theo cũng đang được thực hiện để giới thiệu hệ thống giao thông đường thủy đô thị ở các bang và thành phố quan trọng như Kochi, Mumbai, Gujarat và Goa.

Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã mở rộng quy mô của ngành hàng hải bằng cách đổi tên Bộ Hàng hải thành Bộ Cảng, Vận tải biển và Đường thủy để mọi việc được diễn ra trong một quy trình tổng thể. Chính phủ Ấn Độ cũng đang tập trung vào thị trường đóng tàu và sửa chữa tàu trong nước. Để khuyến khích ngành đóng tàu trong nước, Chính sách hỗ trợ tài chính cho ngành đóng tàu dành cho các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ đã được phê duyệt.

Thủ tướng cho biết Bộ Cảng, Vận tải biển và đường thủy đã lập danh mục 400 dự án đầu tư. Các dự án này có tiềm năng đầu tư lên tới 31 tỷ đô la. Nói về Tầm nhìn Hàng hải Ấn Độ 2030, Thủ tướng cho biết Tầm nhìn này vạch ra những ưu tiên của Chính phủ Ấn Độ.

Dự án Sagarmala: Trung tâm thông tin về lĩnh vực thương mại hàng hải cũng đã được đưa vào hoạt động. Đây là hệ thống thông tin nhằm tăng cường an toàn hàng hải, các khả năng tìm kiếm cứu nạn, an ninh và bảo vệ môi trường biển.

Dự án Sagarmala nhằm thúc đẩy sự phát triển các cảng đã được Chính phủ Ấn Độ công bố vào năm 2016. Là một phần của Chương trình, hơn 574 dự án với chi phí 82 tỷ đô la Mỹ đã được xác định để thực hiện trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2035. Các khu công nghiệp sửa chữa tàu thuyền sẽ được phát triển dọc theo hai tuyến bờ biển vào năm 2022. Ngành công nghiệp tái chế tàu trong nước cũng sẽ được thúc đẩy để tạo ra ‘Của cải từ đồ phế thải’. Năm 2019, Ấn Độ đã ban hành Đạo luật Tái chế Tàu, và đạo luật này phù hợp với Công ước Quốc tế Hồng Kông.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất của chúng ta với thế giới và cũng như tinh thần thái độ cởi mở để học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất trên toàn cầu. Ông cho biết: Tiếp tục tập trung vào thương mại và liên kết kinh tế của Ấn Độ với các quốc gia BIMSTEC (Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực. Đây là một tổ chức quốc tế bao gồm một số quốc gia Nam Á và Đông Nam Á như: Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Bhutan và Nepal) và IOR (Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương, trước đây gọi là Sáng kiến ​​Vành đai Ấn Độ Dương và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương về Hợp tác Khu vực. Đây là một tổ chức quốc tế bao gồm 23 quốc gia giáp Ấn Độ Dương), Ấn Độ có kế hoạch tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện cho các thỏa thuận chung vào năm 2026.

Thủ tướng cho biết Chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng kế hoạch phát triển tổng thể cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái trên các đảo. Ông nói thêm rằng Chính phủ Ấn Độ rất muốn thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực hàng hải. Ông cho biết Chính phủ đang trong quá trình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại tất cả các cảng lớn trên cả nước và đặt mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo lên hơn 60% tổng năng lượng trên tất cả các cảng của Ấn Độ vào năm 2030 theo ba giai đoạn.

Thủ tướng kết luận với lời khuyến khích các nhà đầu tư toàn cầu “Tuyến bờ biển dài của Ấn Độ đang mong chờ các bạn. Những người dân cần cù chăm chỉ của Ấn Độ đang chờ đón các bạn. Hãy đầu tư vào các cảng của chúng tôi. Hãy đầu tư vào con người của chúng tôi. Hãy để cho Ấn Độ là điểm đến thương mại ưa thích của bạn. Hãy để cho các cảng của Ấn Độ là các cảng mà các bạn sẽ ghé vào để giao thương và làm ăn buôn bán”.

Nguồn: Cục Thông tin Báo chí – Chính phủ Ấn Độ