1.Diễn biến:
Cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới dẫn đến sự suy giảm sản lượng trên hầu hết các lĩnh vực và các ngành công nghiệp.
Theo đánh giá của Văn phòng thống kê Liên bang (Federal Statistical Office), tổng sản phẩm quốc nội của Đức (GDP) đã giảm 4,9% trong năm 2020. Sự sụt giảm này đã đánh dấu hồi kết cho 10 năm tăng trưởng liên tiếp của nền kinh tế đứng thứ tư trên thế giới.
Sau quá trình nỗ lực của Chính phủ Đức suốt từ khi đại dịch xảy ra, GDP quý 4 năm 2020 đã tăng lên 0,3% so với quý 3 cùng năm. Tuy nhiên, quá trình phục hồi ấy đã dần dần chậm lại do số ca lây nhiễm Covid 19 tại Đức tăng lên, do sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mới và yêu cầu giãn cách xã hội được Chính phủ Đức áp dụng từ tháng 11 trở đi. Mặc dù nhiều doanh nghiệp ở một số ngành nghề như: chế tạo, sản xuất đã có thể điều chỉnh tốt hơn so với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, giải trí, song nhìn chung, làn sóng COVID dữ dội vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp Đức. Tiêu dùng của các hộ gia đình tại Đức bị ảnh hưởng đáng kể, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và tổng số vốn đầu tư trong lĩnh vực xây dựng đã góp phần củng cố cho nền kinh tế Đức trong giai đoạn khó khăn mà cả thế giới đang phải đối mặt.
So với kinh tế Châu Âu nói chung, Đức có kết quả khả quan hơn cả khi GDP của khu vực đồng Euro sụt 0,6% tính riêng trong Quý 4 và sự sụt giảm lên tới 6,8% tính trong cả năm 2020. Đây được coi là mức giảm kỷ lục đối với nền kinh tế Châu Âu. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, khu vực đồng tiền chung Euro sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế của năm 2019 không sớm hơn năm 2022. Điều đó hoàn toàn tương phản với Trung Quốc - quốc gia đã đạt được mức tăng trưởng như trước đại dịch và mức tăng trưởng này cũng chậm hơn so với Mỹ - nền kinh tế được dự đoán sẽ phục hồi lên mức của năm 2019 vào giữa năm nay.
2. Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2021
Trong năm 2021, các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế của Đức sẽ tăng vào khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, GDP trong quý đầu tiên của năm 2021 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng trưởng trong Quý đầu còn ở mức thấp do nhiều yếu tố như: các ca nhiễm bệnh mới vẫn còn được ghi nhận hay do hạn chế từ lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch bệnh được Chính phủ Đức ban bố vào đầu năm 2021. Nhưng xu hướng tăng đáng kể ở Quý 2 đã được nhìn thấy khi tốc độ lây lan của dịch bệnh giảm xuống, vắc-xin trở nên dễ dàng tiếp cận hơn ở nước Đức. Ngoài ra, kinh tế thế giới vẫn đang trên đà phục hồi, đặc biệt là ở các thị trường quan trọng nhất của Đức tại nước ngoài là Mỹ và Trung Quốc.
3. Đức vẫn là quốc gia thương mại hàng đầu Châu Âu
Tháng 1 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Đức chỉ đạt 98,1 tỷ euro trong khi đó, nhập khẩu đạt 83,8 tỷ euro. So với tháng 1 năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 8,0% và nhập khẩu giảm 9,8%.
Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đức lần lượt đạt 1,2 tỷ euro, giảm 9,3 % và 1,0 tỷ euro, giảm 7,1%m so với năm 2019. Sự sụt giảm này là mức giảm lớn nhất của Đức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Đức được coi là một trong những nền kinh tế lớn mang tính toàn cầu. Với việc giá trị xuất khẩu mỗi năm chiếm khoảng 50% GDP đã khiến Đức trở thành một trong ba quốc gia thương mại hàng đầu trên thế giới . Đứng đầu là Trung Quốc - quốc gia được xác định là đất nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2019 (đạt 2,5 nghìn tỉ USD ), tiếp theo là Hoa Kỳ với khoảng cách khá xa (khoảng 1,6 nghìn tỷ USD), cuối cùng là Đức với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 nghìn tỷ USD.
Đại dịch trên toàn thế giới đã tác động trực tiếp và đáng kể đến các ngành kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức. Vì vậy nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm sản xuất công nghiệp của Đức giảm mạnh. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp. Chính vì những lý do này, kim ngạch xuất nhập khẩu của Đức giảm đi đáng kể trong những tháng qua.