Chính sách miễn trừ phá sản trong vòng 1 năm ở Đức, đã kết thúc, và hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng phá sản đang bắt đầu xuất hiện tại nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này.
Chính phủ Đức đã ban hành biện pháp miễn trừ phá sản vào tháng 3 năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đây là một phần thuộc các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lại làm dấy lên cáo buộc rằng Chính phủ Đức đang chống đỡ cho những công ty “zombie” không còn tương lai.
Tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp Đức đã giảm xuống một cách đáng kể. Nhưng bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, Berlin đã loại bỏ dần chính sách miễn trừ này. Trong năm nay, chỉ những công ty đang chờ hỗ trợ của nhà nước từ tháng 11 tới nay mới được miễn trừ phá sản. Thứ hai, ngày 2/5 tới đây là ngày đầu tiên chính sách miễn trừ không còn được áp dụng.
Ông Patrik-Ludwig Hantzsch thuộc Cơ quan tín dụng Đức Creditreform cho biết: ”Việc hết thời hạn bảo hộ đồng nghĩa với việc các điều kiện cạnh tranh thường xuyên và sự minh bạch của nền kinh tế thị trường sẽ trở lại.”
Đó là một tin đáng mong đợi đối với những nhà phê bình địa phương, những người cho rằng số lượng công ty phá sản giảm chính là bằng chứng cho việc nhà nước đã làm quá đủ, và sự hỗ trợ quá mức này có nguy cơ sẽ cản trở điều mà những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế gọi là "sự hủy diệt mang tính sáng tạo". Đây là thuật ngữ phổ biến vào thập niên 40 được đặt ra bởi nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter để mô tả các công ty không có khả năng phát triển và phải thu mình nhường đường cho những công ty mới năng động, có tiềm năng hơn.
Đại diện của Văn phòng Thống kê Liên bang cho biết: Theo các con số chính thức mới nhất được đưa ra vào tháng Giêng vừa qua, tỷ lệ các công ty phá sản giảm 31.1% ở mức 1,108 công ty. Tuy nhiên, số liệu các doanh nghiệp phá sản từ sau khi chính sách miễn trừ phá sản bị dỡ bỏ từ tháng 10 năm ngoái vẫn chưa được cập nhật trong dữ liệu thống kê do các trường hợp doanh nghiệp thông báo không có khả năng thanh toán được xử lý thông qua Tòa án.
Các số liệu cũng chỉ ra rằng các hồ sơ phá sản được mở ra ngày càng nhiều, điều này cho thấy dấu hiệu chắc chắn của những vụ vỡ nợ trong tương lai.
Theo thống kê từ các Tòa án địa phương của Văn phòng Thống kê Liên bang cho thấy, vào tháng 11 năm ngoái, một tháng sau khi việc dỡ bỏ biện pháp miễn trừ, số lượng các đơn tố tụng đã tăng lên 5% sau khi liên tục giảm hồi đầu năm.
Số lượng các đơn tố tụng được mở tăng 18% trong tháng 12 , trước khi giảm xuống 5% vào tháng 1, và tiếp tục tăng trở lại lần lượt là 30% và 37% trong tháng 2 và 3 năm nay.
Tuần trước, Cơ quan giám sát kinh tế hàng đầu của Liên minh Châu Âu đưa ra kết luận: Chính phủ các nước EU cần phải vào cuộc để ngăn chặn làn sóng phá sản đến từ các công ty tiềm năng đang gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch.
Tỷ lệ phá sản tại các quốc gia Tây Âu được cho là đã tăng khoảng 1/3 trong năm nay so với giai đoạn đầu của đại dịch khi Chính phủ đã rút lại những biện pháp hỗ trợ đặc biệt như là bảo đảm tiền vay tín dụng. Việc này đã làm dấy lên quan ngại về sự gia tăng tình trạng thất nghiệp và các ngân hàng sẽ phải gánh chịu thua lỗ nặng nề.
Mới đây, ông Johannes Fechner - người phát ngôn về chính sách pháp luật của nhóm Nghị sĩ thuộc Đảng dân chủ xã hội, tuyên bố sẽ cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp thuộc Đảng cầm quyền CDU/CSU lần cuối cùng để của họ chấp thuận gia hạn việc miễn trừ phá sản thêm hai tháng trong tuần này.
Ông Fechner cũng cho biết thêm, nhiều công ty sẽ phải nộp đơn xin phá sản vì viện trợ của nhà nước vẫn chưa được chi trả.
"Các công ty này lâm vào cảnh khủng hoảng không phải do lỗi của họ và họ nên được quyền hưởng trợ cấp từ Chính phủ. Hàng nghìn người lao động đang phải chờ đợi, mà kế sinh nhai của các gia đình phụ thuộc vào họ ," ông Fechner cho biết thêm.
"Sẽ không có làn sóng dữ nào xảy ra"
Các chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng gia hạn hiệu lực của chính sách miễn trừ phá sản sẽ không có.
"Nếu một công ty phải nộp đơn phá sản vào đầu tháng 5, các nhà cung cấp ngay lập tức sẽ yêu cầu công ty này phải trả tiền trước, khách hàng sẽ tìm đến công ty khác, các nhân viên nghỉ việc. Thiệt hại sau đó không thể nào khôi phục lại được nữa," ông Lucas Floether, Chủ tịch của Gravenbrucher Kreis – Công ty chuyên xử lý các vấn đề phá sản thông tin với phóng viên Reuters vào tháng 4 vừa qua.
Ông Carsten Linnemann, Phó Chủ tịch nhóm Nghị sĩ CDU / CSU khẳng định việc kết thúc biện pháp miễn trừ phá sản sẽ chỉ ảnh hưởng đến một số ít công ty đã nộp đơn xin viện trợ mùa dịch từ Chính phủ và vẫn đang chờ khoản thanh toán.
Một chuyên gia về các dự báo của Chính phủ khẳng định: Sẽ không có “làn sóng phá sản” nào ở Đức vì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang được áp dụng rộng rãi, bao gồm cả chính sách rút ngắn giờ làm Kurzarbeit cũng được Chính phủ hậu thuẫn.
Việc dừng chính sách miễn trừ phá sản được áp dụng sau khi mức tăng trưởng của nền kinh tế Đức giảm 1,7%, mức giảm mạnh so với dự kiến ở quý đầu năm nay do lệnh đóng cửa được đưa ra vào tháng 11 để ngăn chặn sự bùng phát của virus Corona nên đã ảnh hưởng đến mức tiêu dùng cá nhân.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Holger Schmieding của Ngân hàng Berenberg không cho rằng việc gia tăng phá sản của các doanh nghiệp Đức sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, vì nhu cầu toàn cầu hóa và sự mở cửa trở lại của ngành dịch vụ trong nước đóng một vai trò quan trọng hơn.
"Trong bối cảnh đó , tình trạng phá sản tăng đột biến tạm thời sẽ không gây ra tác động đáng kể đến tổng thể nền kinh tế cũng như niềm tin và chi tiêu của khách hàng ," ông kết luận.